Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Bài viết đánh giá công tác chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp hiện nay, trên cơ sở đó khuyến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam vẫn còn vướng mắc, như: mức độ cơ giới hóa thấp, ít công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm… Để khắc phục những hạn chế này, chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh [2].
Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích vượt trội và là tác nhân góp phần quan trọng vào phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, điều này được thể hiện qua các vai trò chủ yếu dưới đây:
* Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
* Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch…), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.
* Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào trong điều hành, quản lý sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, công nghệ số còn giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Thực trạng chuyển đối số trong nông nghiệp tại Việt Nam
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và coi đây là mục tiêu trọng điểm. Điều này được thể hiện thông qua các văn bản, kế hoạch triển khai, như:
Ngày 29/9/2019, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) được thành lập. VIDA có nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp với từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Hiệp hội đã quy tụ được những doanh nghiệp, doanh nhân có tâm huyết, trách nhiệm để hiện thực hóa mục tiêu đưa nông nghiệp Việt Nam về đúng vị thế và tầm quan trọng trong nền kinh tế.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, với định hướng rõ chuyển đổi số của ngành. Cụ thể: (i) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; (ii) Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu (đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản). Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; (iii) Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm;…đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; (iv) Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý thu hoạch.
Ngày 16/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định số 2688/QĐ-BNN-TCCB về Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 15/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 70%; tích hợp 90% các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng, gồm: 80% cơ sở dữ liệu về Nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng…
Trên cơ sở định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp của Chính phủ, ngày 18/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến về Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025: Xây dựng 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn. Cơ bản hoàn thành dữ liệu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai…
Trên cơ sở những định hướng trên, đến nay, hầu hết các công nghệ số cơ bản đã từng bước được ứng dụng trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp ở các địa phương. Một số doanh nghiệp lớn, như: VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco, Vinamilk, TH True milk… đã ứng dụng công nghệ số vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hiện cả nước có trên 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, có gần 50 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sản thương mại điện tử với hàng nghìn giao dịch được thực hiện.
Tính đến năm 2022, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Xét trên toàn ngành, đến nay, công nghệ số đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành, từ quản lý đến sản xuất, tiêu thụ. Hiện có tới 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi đã được số hóa phục vụ quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp [3].
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 2.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, với gần 2% tổng số hộ nông nghiệp được tập huấn công nghệ số. Đến hết năm 2022, có nước có 2.740/18.700 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Có thể thấy, có sự thay đổi tăng lên về số hợp tác xã tham gia thực hiện chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất, hiệu quả của các sản phẩm nông nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực. Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông trong báo cáo tại tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, hiện nay cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp (458 vùng trồng trọt, 135 vùng chăn nuôi, 87 vùng nuôi trồng thủy sản, 10 vùng lâm nghiệp), trong đó có trên 70% vùng đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết tháng 5/2021, cả nước đã hình thành 1.916 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao [1].
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam khá mới mẻ nên nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân còn hạn chế. Hầu hết các chủ thể chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng cũng như áp lực phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp. Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho thấy tình trạng chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng [5].
Thứ hai, hạ tầng công nghệ số còn lạc hậu, chi phí cao. Thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và hệ thống dữ liệu (cây trồng, vật nuôi, văn bản chính sách đã được số hóa), chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Thứ ba, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.
Thứ tư, nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích…) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản. Hầu hết những người nông dân vẫn chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số, nên việc ứng dụng vẫn còn gặp khó khăn trong các thao tác và đánh giá hiệu quả.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Một là, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Hai là, để chuyển đổi số nông nghiệp thành công, Nhà nước cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực, mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Do đó, cần khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao và mời các nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong công tác quản lý để việc đề xuất, chỉ đạo, thực hiện các chính sách chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả. Tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã đặc biệt đối với các cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông, vì đây là cánh tay nối dài để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn. Tăng cường truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nông dân. Đào tạo người dân về việc sử dụng sàn thương mại để quảng bá sản phẩm.
Bốn là, khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao và mời các nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Trích nguồn: Tapchitaichinh.vn