Xét xử lưu động vụ án Buôn bán, tàng trữ hàng cấm
Sáng 17/7, Tòa án nhân dân huyện Ia H’Drai mở phiên tòa xét xử lưu động đối với các bị cáo Hà Văn Thoại (trú tại Thôn 8), Nguyễn Đinh Toàn (trú tại Thôn 7) và Phạm Thị Lan (trú tại Thôn 1) cùng thuộc xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum về tội “Buôn bán hàng cấm” và “Tàng trữ hàng cấm”.
Theo cáo trạng, khoảng 07 giờ ngày 12/01/2024, Hà Văn Thoại điện cho Nguyễn Đình Toàn đến nhà lấy 05 (hộp) pháo hoa nổ, Toàn mua của Thoại với giá 2.500.000 đồng; Toàn đã đưa trước 1.500.000 đồng và hẹn khi nào nhận pháo sẽ trả đủ. Tuy nhiên, do bận công việc nên Toàn đã gọi điện nhờ Phạm Thị Lan đến gặp Thoại để lấy pháo giúp. Đến khoảng 09 giờ cùng ngày, Lan đến nhà Thoại lấy pháo sau đó bỏ lên xe máy BKS: 77F9 – 4765 và chở về cất giấu tại đuôi giường trong phòng ngủ của Toàn. Sau khi xong việc Lan ra dặn dò Nguyễn Đình Khánh (là con trai Toàn) không được cho ai vào phòng nhằm tránh bị phát hiện rồi sau đó điện thoại thông báo cho Toàn về việc đã lấy pháo và cất giấu xong. Vụ việc sau đó bị phát hiện, ngăn chặn và thu giữ toàn bộ tang vật cùng các đồ vật, tài liệu có liên quan. Tổng số pháo đã thu giữ tại nhà Nguyễn Đình Toàn theo Kết luận giám định số 154/KL-KTHS ngày 27/01/2024 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Gia Lai đều là pháo hoa nổ, có tổng khối lượng là 6,8 kg.
Quang cảnh phiên tòa
Trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thoại 13 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 26 tháng về tội “Buôn bán hàng cấm” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 190 Bộ luật Hình sự; bị cáo Nguyễn Đình Toàn 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng; bị cáo Phạm Thị Lan 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng cùng về tội “Tàng trữ hàng cấm” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 191 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo
Việc đưa ra xét xử lưu động vụ án buôn bán, tàng trữ hàng cấm (pháo nổ) thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng chống hành vi buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép; qua đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quần chúng nhân dân, nhất là đối tượng lứa tuổi thanh thiếu niên hiểu biết về công tác quản lý của Nhà nước đối với các loại pháo nổ, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tin, ảnh: Phương Dung